Cuộc đời Huỳnh_Công_Tấn

Hoàng Tấn là người thôn An Long (Yên luông nhị thôn), huyện Tân Hòa[2], trước thuộc tỉnh Định Tường. Từ thời Pháp thuộc, vùng đất này chính thức gọi là tỉnh Gò Công, nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

Căn cứ "hồ sơ Hoàng Tấn số SL 2751" trong Văn khố Quốc gia, lúc đầu, Hoàng Tấn là một nghĩa quân của thủ lĩnh Trương Định. Sau bị bắt rồi hàng Pháp từ nửa cuối năm 1862 [3]. Chi tiết này cũng được chính Hoàng Tấn kể lại với Paulin Vial trong thư ngày 31 tháng 7 năm 1869, khác với một số lời kể khác [4].

Về làm cộng sự cho Pháp, Hoàng Tấn đã lập được một số công lao, đáng kể như:

-Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Hoàng Tấn dẫn quân Pháp đến vây bắt Trương Định, khi vị thủ lĩnh này vừa thất thủ ở Gò Công rút quân về Kiểng Phước. Theo nhà sử học Phạm Văn Sơn thì Trương Định bị vây đánh tại "đám lá tối trời". Ông bị thương nặng, rồi dùng gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào hôm sau, đồng thời 28 nghĩa quân đi theo ông cũng đều bị bắn chết[5].-Tháng 4 năm 1866, Hoàng Tấn dẫn quân Pháp đi tấn công đồn Tả ở Đồng Tháp, khiến cho lực lượng của thủ lĩnh Võ Duy Dương bị thiệt hại nặng [6].-Tháng 8 năm 1868, ông lại tham gia cuộc hành quân ra đảo Phú Quốc để truy bắt thủ lĩnh Nguyễn Trung Trực và đã thành công [6].

Tưởng thưởng công lao, thực dân Pháp ban cho Hoàng Tấn huy chương "Bắc Đẩu Bội tinh", và dành cho ông chức Lãnh binh, "được dịch là Général, đứng đầu ngạch lính mã tà bản xứ. Chức tước này chỉ độc nhất dành riêng cho ông ta, sau đó không còn ai được mang nữa" [7].

Có chức quyền, Hoàng Tấn tha hồ "chứa bạc, chiếm đất, bắt dân làm xâu...rồi nhập vào nhóm ăn chơi ở Sài Gòn, nuôi ngựa đua để cáp độ với đám chủ nhân ông mới"[8].

Về sau, nhà văn Sơn Nam kể, Hoàng Tấn bị người Pháp chán ngán vì lối làm việc luông tuồng, quê mùa, thất nhân tâm, lấn quyền...và ngây thơ đến mức dám chê bai, tố cáo lề lối cai trị của quan Tham biện Pháp ở hạt Bến Tre Palasme de Champeaux đến Giám đốc nha Nội vụ Pháp (directeur de l'intérieur) Paulin Vial. Bởi vậy, viên Giám đốc Nội vụ phẫn nộ, trách mắng, tìm cách đổi ông về miền Đông Nam Kỳ, nhưng vào năm 1869, Hoàng Tấn lại được chút tín nhiệm nhờ qua Cần Giuộc bắt Phó đốc binh Bùi Duy Nhứt lúc bấy giờ đang chống Pháp [9].

Thời kỳ bắt giết bừa bãi đã qua, Pháp muốn chiêu an, nên tìm cớ không dùng Hoàng Tấn nữa. Pháp cho một tay sai khác là Huyện Vĩnh tố cáo ông về tội lạm quyền. Hoàng Tấn tự bào chữa bằng các tố cáo lại sự lạm quyền của huyện Vĩnh. Sau cùng, ông chết năm 37 tuổi vì bệnh trong chiếc "ghe hầu" (ghe nhà giàu có mui có buồng riêng) trên đường Gò Công-Sài Gòn[9].

Sau khi Hoàng Tấn mất, viên Chủ tỉnh Pháp là E. Puech (1873 - 1874; kế nhiệm là E. Pourquier: 1874 - 1875) cho xây dựng "đài ghi công" ông tại tỉnh lỵ Gò Công (nay là thị xã Gò Công). Trên đó có khắc dòng chữ: "À la mémoire du Lanh binh Hoàng Công Tấn, chevalier de la Légion d'honneur, tidèle serviteur de France". Nghĩa là: Kỷ niệm Hoàng Công Tấn, Bắc Đẩu Bội tinh, công bộc trung thành của nước Pháp. Năm 1945, đài này bị người dân đập phá tan[10].